Thị trường tiềm năng
Sau hơn hai năm trời đình trệ, kiệt quệ vì đại dịch hoành hành, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng hồi sinh, với những con số thống kê khiến cộng đồng du lịch nức lòng. Theo Thông tin du lịch tháng 11 do Tổng cục Du lịch công bố, ngành công nghiệp không khói đã phục vụ tới 96,3 triệu lượt khách nội địa và 2,95 triệu khách quốc tế chỉ trong 11 tháng của năm 2022, tổng thu ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
Tiềm năng bứt phá của thị trường outbound (du lịch nước ngoài) là điều không cần bàn cãi, nếu nhìn vào những kết quả thăm dò được nhiều đơn vị uy tín công bố mới đây. "85,5% số khách Việt đã đi du lịch cả trong và ngoài nước trong 9 tháng năm nay. Thị trường du lịch nước ngoài tại Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhanh hơn dự kiến" là kết luận chính của báo cáo "Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam 2022" do Outbox Company công bố ngày 21/11. Cụ thể, có tới 69,25% số người được khảo sát coi du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, 65% số khách Việt đã mạnh tay chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến xuất ngoại.
Còn theo thống kê của Booking.com (công bố hồi cuối tháng 7/2022) sau khi khảo sát 11 nghìn du khách thuộc 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài từ châu Á tới châu Đại Dương, du khách Việt có chỉ số tự tin du lịch (Travel Confidence Index) đứng thứ hai, với 85% số người Việt có dự định đi du lịch nước ngoài trong một năm tới, 62% lên kế hoạch cho 1-2 chuyến/năm, 45% ưu tiên chọn điểm đến gần (cách Việt Nam từ 3-8 giờ bay), 57% nôn nóng xuất ngoại sau thời gian bị kìm nén vì đại dịch quá lâu…
Vài tháng trước, đại diện TST Tourist cho biết, mảng outbound của công ty đã hồi phục hơn 90%. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng khách outbound sẽ có sự tăng trưởng mạnh vào cuối 2023 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Báo cáo tài chính quý III của Viettravel cho thấy, trong tháng 9/2022, khoản thu từ outbound đã chiếm tới 50% tổng doanh thu. Saigon Tourist ước tính số khách xuất ngoại trong hai tháng cuối năm lên tới 20 nghìn lượt.
Số liệu thống kê từ ba thị trường được khách Việt ưu tiên hàng đầu giai đoạn "hậu Covid-19" rất khả quan. Cục Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) cho biết, có 255.900 du khách Việt đã chọn xứ sở hoa anh đào trong 11 tháng, chỉ riêng tháng 11 đã có tới 33.600 người Việt khám phá mùa lá đỏ tuyệt đẹp của quốc gia này. Với con số ấn tượng ấy, Việt Nam chiếm vị trí thứ hai về số lượng khách quốc tế và dẫn đầu về tốc độ phục hồi tại thị trường Nhật Bản. Con số 124 nghìn du khách Việt đến Singapore trong 8 tháng đầu năm (theo Tổng cục Du lịch Singapore) và 324 nghìn lượt thăm Thái Lan trong 10 tháng (theo Tổng cục Du lịch Thái Lan) cũng đã đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia có lượng người khám phá hai điểm đến hấp dẫn này nhiều nhất.
Chuyên biệt hóa, chìa khóa thành công
Như một chiếc lò xo bị nén lại lâu ngày, làn sóng mở cửa đón khách ồ ạt của nhiều quốc gia đã chứng kiến cuộc đổ bộ đông đảo của du khách Việt. Từ những thị trường truyền thống như Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), Bali (Indonesia), Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ hay liên tuyến châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia…, người Việt bắt đầu hướng cái đích tới những điểm đến xa xôi hơn, mới lạ hơn như Qatar, Mông Cổ, Nam Phi, Ai Cập, Israel…Từ hình thức du lịch đại trà với chi phí rẻ, chủ yếu "check-in" điểm đến như hồi trước đại dịch đến nhu cầu trải nghiệm chuyên sâu, chấp nhận chi phí cao để nhận lại những giá trị độc đáo đang được du khách Việt ưu tiên và đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ phải có sự dịch chuyển tương ứng.
Thương mại điện tử phát triển, các dịch vụ du lịch trực tuyến phủ sóng toàn cầu đã khiến việc tự lên kế hoạch cho một chuyến đi trở nên rất dễ dàng với phần lớn du khách. Bởi vậy, để có thể duy trì và mở rộng tệp khách hàng, công việc của các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch-lữ hành giờ đây phức tạp hơn, áp lực cạnh tranh cũng lớn hơn rất nhiều. Thay vì đặt tour từ một công ty bất kỳ, cung ứng mọi lịch trình cả trong lẫn ngoài nước, chào bán điểm đến thuộc mọi quốc gia, mọi châu lục như một nồi lẩu thập cẩm, người tiêu dùng giờ đây có xu hướng chọn lựa cái tên uy tín, trong từng phân khúc sản phẩm đặc thù. Mức độ phục hồi 150% so trước dịch, dù giá tour hiện tăng tới 30-40% mà ông Phùng Gia Tuấn, CEO của America Discovery đưa ra ở đầu bài viết là có cơ sở vững chắc. Bởi cá nhân ông đã có tới 16 năm và Công ty Khám phá Mỹ do ông sáng lập đã có bảy năm va đập, đúc rút kinh nghiệm và định vị thương hiệu từ thị trường này.
Theo phân tích của ông Tuấn, "chuyên biệt hóa sản phẩm là hướng đi mà các nước đã lựa chọn từ lâu. Chẳng hạn như, Trung Quốc có công ty chuyên cung cấp dịch vụ đưa/đón khách cho từng thị trường. Khi gắn bó và tập trung phát triển một phân khúc thế mạnh, mức độ liên kết giữa các đối tác càng lớn, sự ổn định trong cung/cầu dịch vụ càng cao, càng dễ đàm phán được giá tốt, nhận được ưu đãi cạnh tranh. Nhờ thế, chất lượng dịch vụ cung ứng sẽ cao hơn, lợi nhuận thu được cũng tốt hơn. Đó là còn chưa kể, khi đầu tư toàn bộ tâm sức cho một thị trường, công ty sẽ trở thành một thương hiệu uy tín và được ưu tiên lựa chọn trong mắt khách hàng".
Đó cũng là lý do khiến Công ty CP Đức Minh (Spirit Tour) chọn "Du lịch tâm linh đến các thánh tích Phật giáo" làm sản phẩm chủ đạo. Công ty CP Thiên đường Á Châu (Pattour) chọn Nga cùng những quốc gia láng giềng làm điểm nhấn khai thác. Rồi VietGlobal Travel định vị tên tuổi với những tour độc-lạ có chi phí đắt đỏ "trên trời". Everest Việt chuyên biến những giấc mơ khám phá "nóc nhà thế giới" thành hiện thực. Migola Travel đưa khách đắm mình vào thiên nhiên kỳ thú nơi những vùng đất hiểm trở… Khoanh vùng một phân khúc sở trường là cách các đơn vị này lách qua khe cửa hẹp để hướng tới tệp khách hàng tiềm năng với những đòi hỏi chất lượng và trải nghiệm khác biệt, trên con đường hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch-lữ hành.
Gợi ý nhỏ: Khám Phá Mỹ có các tour hành trình đến nước Mỹ đầy thú vị màu sắc chứa đựng vô vàn điều thú vị. Tham khảo chương trình chi tiết tại website: https://dulichmy.vn/loai-hinh-du-lich/tour-du-lich-hoa-ky-canada-2023-uu-dai-c473